Dự án tiếng Việt
Bắt đầu từ năm 2024, Dự án Tiếng Việt là một hành trình khám phá tập thể về ngôn ngữ Việt trong bối cảnh nghệ thuật số, do tập thể Lướt Code khởi xướng và thực hiện cùng các nghệ sĩ đồng hành.
Xoay quanh chủ đề về tính đơn âm tiết của tiếng Việt, dự án khởi đầu bằng một nghiên cứu đi sâu vào gốc rễ của ngôn ngữ ― âm tiết, nhằm quan sát quá trình chuyển mình của tiếng mẹ đẻ thành một ngôn ngữ đơn âm, cũng như sự xuất hiện ngày càng nhiều của những âm tiết từng tối nghĩa trong đời sống hằng ngày. Từ nền tảng nghiên cứu ban đầu đó, dự án được phát triển thành bốn tác phẩm nghệ thuật khác nhau:
- [1] Bàn phím âm tiết tiếng Việt.
- [2] Tác phẩm sắp đặt về trọng lượng của âm tiết.
- [3] Thí nghiệm xã hội về sự tương đồng ngữ âm giữa tiếng Việt và tiếng Mường.
- [4] Một hệ thống trình diễn để cây xanh làm thơ.
Dự án tiếng Việt của chúng tôi đã được triển lãm tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nhận giải Best Popularity và Honorable Mention for Media Art tại FutureTense 2025, và được giới thiệu trên Vietcetera, Thanh Niên và VnExpress.

🌒 Âm tiết tiếng Việt là một kho dữ liệu khổng lồ
Tiếng Việt hình thành từ khi chúng ta gọi nhau trong rừng sâu hang thẳm. Trải qua bao thời lập nước, xây đắp kinh thành, mở rộng bờ cõi đến nơi cồn cát xô ra biển cuộn, nơi ngập mặn u minh buốt xương, nơi đại ngàn trùng điệp dẫn lên đỉnh cao; tiếng Việt đã không chỉ còn nằm ở cái nôi nguyên thuỷ của nó. Ngày hôm nay, tiếng Việt là đại diện tiêu biểu trong ngữ hệ Nam Á, là ngôn ngữ chính thức của quốc gia trăm triệu dân và kiều bào. Thay đổi không chỉ còn nằm ở địa lý, mà còn ở nền tảng trao đổi. Từ những mai rùa, khúc xương, qua thời khắc đá, ghi giấy, viết thư, ghi âm, gọi điện thoại, nhắn tin rồi thành những dòng trạng thái khắp cõi mạng. Ngay tại lúc này, khi chúng ta đang chứng kiến vô vàn những truyền thống đang được/bị chắp thêm đôi cánh để bay lên hoà mình vào sự tân tiến của thời cuộc, thì tiếng Việt đã ở sẵn trên đấy từ khi nào rồi…
Sự giàu đẹp của tiếng Việt

"Được hình thành ở nơi sơn hải kề cạnh, giữa 2 khối văn hoá hùng cường Ấn Độ và Trung Hoa, trải qua sự chiếm đóng của 3 đế quốc Pháp, Mỹ, Nhật, tiếp thu kiến thức từ khối Liên Xô, trải qua 2 lần thay đổi văn tự, vốn từ vựng tiếng Việt có khả năng biểu đạt được khái niệm, hiện tượng, tâm tư, cảm xúc, tri thức của rộng rãi các dân tộc trên thế giới. Tiếng Việt giàu đẹp là vì lẽ đó."
Sự sinh thành của tiếng Việt vốn là một chủ đề mà các nhà khoa học nội ngoại dày công thu thập, đối chiếu, bàn luận và hệ thống. Không thể bỏ qua quyển An Nam Dịch Ngữ ở thế kỷ 16 đối chiếu 716 từ Hán Việt hay cuốn từ điển Việt-Bồ-Latinh của Alexander de Rhodes hợp thức hoá chữ Quốc ngữ. Không thể bỏ qua công sức André-Georges Haudricourt đã tìm hiểu về các từ nguyên của tiếng Việt, đối chất với công trình của học giả Đông phương Henry Maspero để chứng minh tiếng Việt thuộc nhóm Môn-Khmer của ngữ hệ Nam Á. Không thể bỏ qua giáo sư Nguyễn Tài Cẩn bàn về sự trù phú trong thanh điệu của tiếng Việt, từ những thiên tính của ngữ hệ Nam Á, cụ thể là nhánh Môn-Khmer đến sự tiếp thu thanh điệu của ngữ hệ Thái-Ka-đai. Và cũng không thể bỏ qua giáo sư Trần Trí Dõi đã dày công hệ thống sự trưởng thành của tiếng Việt trong bối cảnh văn hoá và lịch sử qua những thời kỳ đầy biến động.
Ngày nay, từ vựng tiếng Việt được hệ thống lại nhờ công trình từ điển tiếng Việt của cố giáo sư, nhà từ điển học Hoàng Phê. Các kho lưu trữ kỹ thuật số cũng đã mở rộng ra lãnh địa của chữ Nôm, các ngôn ngữ thuộc nhóm Môn-Khmer như từ điển Việt-Mường của Nguyễn Văn Khang chủ biên, ngữ vựng Katu của Nancy Costello, từ điển Cơ-ho-Pháp của Dournes Jacques xuất bản ở Sài Gòn. Rất nhiều mối liên quan giữa tiếng Việt với cơ ngơi các ngôn ngữ khác, với tiếng Việt những thời kỳ khác, nhưng để thấy rõ thiên tính của tiếng Việt, chúng ta hãy cùng đi sâu vào từng tế bào của nó: âm tiết.
Tiếng Việt trong không gian công nghệ


Từ những ngày bắt đầu, công nghệ luôn mang tính thơ trong bản thân nó. Trong loạt bài tìm hiểu về tính queer trong công nghệ (A Queer History of Computing), tạp chí Rhizome có nhắc đến chương trình viết thư tình của Christopher Strachey như là một trong những tác phẩm khởi xướng của nghệ thuật điện toán (computational art).
Chương trình được viết trên một thuật toán sinh từ — viết thư từ việc sắp xếp chữ vào các biến thế của các cấu trúc câu định sẵn từ trước. Các từ được sử dụng mang hơi hướng văn học thời Victorian, chẳng hạn như những từ ngữ gọi nhau trìu mến — “honey”, “jewel”, hay “moppet”. Chiếc máy viết thư tình như là một cái thú chơi chữ, tỏ tình đầy ý tứ giữa Christopher và Alan Turing.
“little record survives to document more than a passing relationship between these two men, but what remains is a surprisingly poetic attempt to play at the machine.” — Jacob Gaboury (Rhizome)
Trên dòng cảm hứng về tính thơ trong thực hành với công nghệ, chúng tôi suy ngẫm về tính thơ trong tiếng Việt. Tất cả đều bắt nguồn từ cái âm tiết. Tiếng Việt có sự uyển chuyển, linh hoạt, tượng thanh, tượng hình là do sự uyển chuyển, linh hoạt, tượng thanh, tượng hình của từng âm tiết tạo ra. Khác với các ngôn ngữ khác, tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm tiết. Mỗi âm người Việt ta phát ra đều gợi lên một cảm xúc, một hình ảnh nhất định. “đau” và “đớn” nghe đã thấy cắt da thịt. “trùng”, “điệp” nghe đã thấy đi hết ba ngọn núi bảy ngọn đồi.
Cái tính thơ đó ắt phải liên quan ít nhiều với từng âm trong tiếng Việt.
Trên cơ sở đó, cũng như Christopher, chúng tôi bắt đầu xem xét lại bộ chữ tiếng Việt, không phải từng từ mà là từng âm. Dựa trên nguồn dữ liệu có sẵn của từ điển Hoàng Phê, từ điển soha, và nguồn liệu có sẵn của nhóm nghiên cứu NLP underthesea, dự án tạo ra một kho từ điển âm tiết tiếng Việt cùng với bộ 3 bài nghiên cứu về tính âm trong các âm tiết đó.
[1] Bàn phím âm tiết tiếng Việt
Từ những quan sát mang tính thi vị về âm tiết tiếng Việt, dự án được khởi đầu bằng chuỗi 3 nghiên cứu xoay quanh đặc trưng đơn âm của tiếng Việt. Từ bộ ba nghiên cứu này, nhóm thực hiện đã thử nghiệm việc tái thiết kế bàn phím tiếng Việt — thay vì gõ theo từng chữ cái, bàn phím mới được sắp xếp dựa trên các âm tiết hoàn chỉnh.
Các nghiên cứu được xây dựng dựa trên ba nguồn dữ liệu chính: từ điển số của soha.vn, Từ điển Tiếng Việt (ấn bản 2021) do Hoàng Phê chủ biên, và bộ dữ liệu xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) mở từ nhóm nghiên cứu underthesea. Từ các nguồn này, nhóm đã tiến hành xử lý, đối chiếu và hệ thống hóa 6.000 âm tiết đơn có nghĩa trong tiếng Việt theo ghi nhận trong từ điển.

Chúng tôi nhận thấy rằng các âm tiết tiếng Việt tuân theo một cấu trúc gồm:
phụ âm đầu
+ nguyên âm
+ phụ âm cuối
Phụ âm đầu và cuối có thể có hoặc không
Ví dụ:
bánh = b
+ á
+ nh
cá = c
+ á
+ _
êm = _
+ ê
+ m
Để hiểu rõ hơn về cơ chế hình thành âm tiết, chúng tôi đã tách tất cả các âm tiết thành ba thành phần ngữ âm cốt lõi nêu trên. Sau đó, bằng cách kết hợp lại các thành phần này theo phương pháp thuật toán, chúng tôi đã tạo ra một bộ dữ liệu gồm 82.000 âm tiết có thể tồn tại — bao gồm 6.000 âm tiết đã có mặt trong từ điển, và khoảng 76.000 âm tiết mới như "boéch", "gập",... Tuy là mới lạ, nhưng những âm tiết này hoàn toàn khả thi về mặt ngữ âm, và từ đó khơi dậy một nhận thức mới mẻ về hệ thống âm vị tiếng Việt.
Tất cả những âm tiết mới được phát hiện này đều đã được lưu trữ trên Github, kèm theo mã nguồn mở. Để mở rộng khả năng ứng dụng của dự án, Lướt Code cũng phát triển một bàn phím tiếng Việt thể nghiệm — dựa trên các thành phần cấu tạo âm tiết, thay vì sử dụng bàn phím QWERTY truyền thống xoay quanh bảng chữ cái.

Đánh máy là một trong những hình thức tương tác then chốt giữa con người và máy tính. Đánh máy cũng là một cách sử dụng ngôn ngữ. Người dùng hình dung từ ngữ trong tâm trí và thể hiện chúng qua thao tác vật lý: nhấn từng phím một. Hành động gõ phản ánh cách chúng ta lý luận và định hình bản thân trong thời đại số.
Kết quả là một bàn phím mẫu được thiết kế không chỉ như một công cụ hỗ trợ nghiên cứu về âm tiết tiếng Việt, mà còn như một phương tiện để khám phá chiều sâu tiềm ẩn và khả năng sáng tạo của ngôn ngữ này.
Tiếp nối hành trình đó, chúng tôi tiếp tục đào sâu vào tính đơn âm của tiếng Việt, từ đó suy ngẫm về hiện tượng nói lái và những biến đổi ngữ âm qua thời gian. Toàn bộ nội dung nghiên cứu đã được công bố thành ba phần.
Bài 1: Tổng quan về Âm tiết tiếng Việt
Tổng quan về âm tiết tiếng Việt và việc xây dựng một cơ sở dữ liệu âm tiết mở phục vụ cộng đồng. Dự án này tổng hợp tất cả các âm vị có thể có trong tiếng Việt và đối chiếu với các từ điển, nhằm phân tích xem có bao nhiêu âm mang nghĩa và bao nhiêu âm là vô nghĩa.










Bài 2: Nói lái và "góc khuất" của tiếng Việt
Tính đơn âm của tiếng Việt tạo điều kiện cho hình thức chơi chữ phổ biến nhất trong đời sống hằng ngày: nói lái. Trong nói lái, người nói có thể tự điều chỉnh những âm tiết vô nghĩa thành những từ có nghĩa khi phát âm.








Bài 3: Biến âm và tiếng Việt của ngày sau
Quan sát sự biến hoá của tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ đơn âm tiết tại như ngày nay, thông qua tài liệu và ghi chép về các phụ âm kép và cách phát âm trong tiếng Việt trung đại.








🌓 Phát triển chương trình fellowship
Với bộ dữ liệu mở gồm 82.000 âm tiết, vào tháng 6/2024, Lướt Code giới thiệu Dự Án Tiếng Việt đến cộng đồng, kêu gọi sự tham gia của các nghệ sĩ và những người yêu ngôn ngữ. Kết hợp giữa nghiên cứu ngữ lý học và thử nghiệm nghệ thuật, chương trình fellowship mong muốn tiếp nối hành trình tìm hiểu tính đơn âm của tiếng Việt, đồng thời mở ra những cách tiếp cận mới, giàu tưởng tượng đối với tiếng mẹ đẻ.
Tham gia fellowship này là ba nghệ sĩ trẻ — Dmarc Lê, Đông Trúc và thou. Dù mỗi người theo đuổi một thực hành riêng, cả ba đều gặp nhau ở cái cảm tình dành cho âm tiết tiếng Việt. Các tác phẩm của họ là hành trình tiếp diễn trong việc khám phá cách mỗi âm tiết tiếng Việt định hình nên ý nghĩa, thanh âm, nhịp điệu và bản sắc — cả trong những ngữ cảnh truyền thống lẫn đương đại.
[2] Xác Âm (Dmarc Lê)
Dmarc Lê là nghệ sĩ thực hành trên môi trường số. Dmarc tập trung khai thác những kết nối giữa con người và máy móc để phản chiếu và bàn luận những giá trị bền vững trong quá trình phát triển số hoá. Những thể nghiệm về chữ nghĩa tiếng Việt của Dmarc ảnh hướng nhiều từ phương ngữ Huế - nơi cô sinh ra và lớn lên, và rồi va chạm với môi trường số tạo cuộc đối thoại giữa con chữ với con người qua cầu nối công nghệ.
Email: dmarcle.hi@gmail.com
Instagram: @dmarc.le
Website: dmarcle.com



Xác Âm được sinh ra từ câu hỏi: Sức nặng của bài thơ đến từ đâu? Sức nặng của từng âm tiết trong bài thơ Lạc của nhà thơ tự do Cẩm Tiên được định lượng thông qua hệ thống ASJP. Hệ thống đánh giá phát âm này được thiết lập từ việc quan sát sự vận động của răng, môi và thanh quản.
Sau đó, tác giả còn tiếp nối hệ thống này bằng quan sát cách phát âm của chính mình, một người con xứ Huế. Rồi từ đó, mỗi bài thơ sẽ được chấm thành một ma trận điểm nặng tương ứng.
Các điểm nặng nhẹ này sau đó được phóng chiếu lên một miếng kim loại dưới tác động nhiệt. Thời gian chịu nhiệt tuân theo điểm nặng.
Sau khi qua cơn nhiệt, bài thơ nằm phơi mình, mặc cho nắng mưa ăn mòn thân xác chính nó.
Xác Âm là mảnh linh hồn ngưng đọng lại của âm tiết Tiếng Việt, phản chiếu những thể nghiệm về kết nối trong thơ ca và cảm xúc người đọc.
— *Lạc* - *Lê Minh Cẩm Tiên*
Ta mắc kẹt giữa lằn ranh sáng tối
Giữa bất lực bởi nỗi phải chia đôi
Vì tinh khiết anh đâu nào chạm nổi
Em lại cố giấu nhẹm vệt đồi mồi
Rồi tình mình bỗng dưng thơm mùi khói
Không cháy rụi nhưng lẳng lặng bốc hơi…
Đấng thiêng liêng ngã quỵ trước ngai vàng
Ta dẫm đạp lên con chữ nhau mang
Chốn thiên đàng chẳng mỹ miều sắc đáng
Anh cũng chán thứ tin yêu rẻ mạt
Em trao anh, ắt đậm lắm bẽ bàng
Mùi hoả tiễn - không khét, chẳng còn thơm
Nhạt một màu xám ngắt đoạn tầm thường
Dòng dung nham nguội tanh buồn rũ rượi
Chẳng còn hồng, chẳng ấm tim em được
Động cứng hồn, ngọt mật hoà tan thương
A brief Q&A with Dmarc Lê
Q: Bất kỳ âm tiết nào phát ra đều tốn năng lượng, tuỳ vào điều kiện tự nhiên, địa lý mà chúng ta có cách phát âm phù hợp, như là các dân tộc sống ở thảo nguyên có nhiều nguyên âm và âm vang hơn là những dân tộc sống trong rừng với những âm xát, nhiều phụ âm. Bạn nghĩ thế nào về âm giọng của mình?
A: Cái âm điệu của Huế có lẽ đến từ cái địa hình vốn thơ của nó - Sông Hương & Núi Ngự. Người Huế yêu và mê mẩn thiên nhiên của họ nên chắc phần nào đó nó đã ảnh hưởng đến âm giọng của họ. Giọng Huế nhẹ và dễ nghe như cách sông Hương dịu dàng chảy qua từng ngóc ngách của thành phố. Nhưng nếu để ý, trong ngôn ngữ thường ngày, cái nhẹ nhàng đấy có phần dứt khoát, đôi khi có một chút nhanh, cảm giác như lướt trên đầu lưỡi, điều đó chắc đến từ dãy Ngự bình. Có một điều là giọng Huế không phản ánh cái khắc nghiệt của thời tiết nơi đây, có khi con người bọn em cũng quá lãng mạn nên chọn những điều cũng thơ.
Q: Bạn nghĩ sự khác biệt giữa một câu văn và một câu thơ là gì?
A: Câu văn là một bộ phận của câu chuyện. Câu thơ chính nó là một câu chuyện riêng.
[3] Bên kia của vần (Đông-Trúc)
⇱ Đọc / mua zine
Đông-Trúc là một graphic/type designer. Các thực hành liên quan đến chữ và ngôn ngữ của cô xuất phát từ những tò mò nhỏ nhặt của cô trong quá trình lớn lên ở một Vùng kinh tế mới, nơi mà cô được tiếp xúc với nhiều âm giọng và văn hoá của những vùng miền khác nhau.
Email: dongtrucng2810@gmail.com
Instagram: @do_ngtruc





Khi tiếp xúc với các vần, ta thường đứng ở mạn bên này, vùng của nghĩa. Ta đọc và cảm nhận chúng qua ngữ nghĩa mà chúng biểu thị. Vậy, chuyện gì đang diễn ra ở phía bên kia, vùng của âm? Chẳng phải “âm thanh sẵn có năng lực diễn tả tình ý” hay sao?
Bên kia của vần hiện diện trong hình hài một trò chơi nhỏ với mong muốn dẫn dắt mọi người tìm đến các cảm giác thuần túy của các vần, cách ghép vần và vần điệu tiếng Việt. Trò chơi hình thành từ một tò mò của tác giả: liệu chúng ta có nảy sinh cùng một cảm giác khi nghe một vần?
Mượn tiếng Mường làm phương tiện chủ chốt, tác giả muốn cùng mọi người khám phá vùng đất của âm thanh, cùng quan sát xem liệu giữa chúng ta có tồn tại những giao cảm dành cho vần điệu, thanh điệu tiếng Việt hay không.
A brief Q&A with Đông-Trúc
Q: Một âm, một từ gợi lên trong bạn hình ảnh và ký ức về Di Linh
A: lênh đênh. Dùng lênh đênh để nói về một vùng cao nguyên nghe có vẻ kỳ quặc nhỉ! Mình nghĩ đó là cảm giác của mình khi nhớ về Di Linh, nơi mà mình gọi là quê hương thứ nhất, nơi mình lớn lên. Quê hương thứ hai của mình nằm ở một vùng biển duyên hải miền Trung,nơi mình sinh ra,nơi có ông bà, dì cậu và những mùa hè đầy niềm vui của mình. Ngày bé mình thường được ba mẹ đưa về quê chơi. Việc di chuyển qua lại liên tục giữa hai nơi làm cho mình có cảm giác lênh đênh. Mình thấy như bị trôi ở giữa và không thật sự thuộc về đâu cả.
Q: Một vài suy nghĩ của bạn về tiếng Mường (cách phát âm, từ vựng, cách viết,...) khi thực hiện tác phẩm
A: Thời gian làm dự án và tiếp xúc với tiếng Mường đưa mình từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Lúc đầu mình rất bất ngờ khi bắt gặp một ngôn ngữ gần với tiếng Việt đến như vậy. Mình thử nghe các bản tin tiếng Mường và Song dần dà mình cũng có một thắc mắc (cũng là những thắc mắc mà một số vị khách đặt ra cho mình) là liệu những người dân tộc thiểu số có chữ viết riêng hay không. Người Mường có thật sự dùng ký tự La Tinh để viết tiếng Mường không. Và khi một ngôn ngữ không có chữ viết thì ngôn ngữ đó có phát triển được nữa không, và sẽ phát triển theo phương cách nào khi thiếu đi công cụ ghi chép.
[4] để quá khứ sẽ (tiếp diễn) (thou & Khôi Nguyễn)
⇱ Thử bắt nắng
⇱ Quá trình sáng tác
thou sống ở thành phố Hồ Chí Minh, là nghệ-sĩ thực hành sáng tác đa chất liệu, đa phương tiện, tập trung ở lĩnh vực thị giác (hội họa, sắp đặt, mô hình, hoạt họa), và chữ nghĩa (viết sáng tạo, phê bình, phân tích, văn xuôi ngắt dòng). Chủ đề khai thác của thou bắt rễ từ văn hóa địa phương, và xoay quanh sự-sống của họ. Khi nhìn lại toàn bộ sản phẩm đã được thực hiện, họ nhận thấy nỗi-ám-ảnh luôn hiện diện trong mọi tác phẩm, vừa là điểm nối, vừa là động lực sáng tác: những mối liên kết giữa cá nhân với mọi điều xung quanh, đặc biệt là liên kết với chính mình, với mẹ, với nguồn gốc, với không gian và thời gian.
Email: tuchury@gmail.com
Instagram: @thou.____________.thou





để quá khứ sẽ (tiếp diễn) được phát triển từ nhiều sự chồng lớp các quan sát và ý niệm trong quá trình hình thành nên cơ chế tạo thơ tự động từ bóng cây đổ nắng lên tường. Như một sự “tự do” xuất khẩu, cơ chế này trở thành công cụ khiến/cho/để cây
nói những điều cây không thể nói, về
những hàng cây đã đổ xuống, về
những cây cầu và trụ cột mọc lên, về
nỗi thống khổ gay gắt trên đường, về
sự trơ trụi, về
những đề án đốn cây, về
những lời hứa sẽ trồng lại cây, về
những lời hứa mãi nằm trên giấy, về
những quá khứ (vẫn đang tiếp diễn).
Từ hơn 50 bài báo về dự án metro 2, 49 từ/cụm từ tiêu biểu được chọn ra để tạo thành một bộ chữ của cây. Các từ này, sau đó, sẽ lấp vào một cú pháp định sẵn để hình thành một bài thơ. Cú pháp “để…sẽ…để…sẽ…để…” được lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại đến mức khó chịu, đến mức vô duyên, đến mức từ ngữ thành âm rỗng nghĩa, và lời hứa chỉ là cái vỏ hình thức bên ngoài.
Tác phẩm là sự kết hợp giữa thơ và thực tế, giữa công nghệ và thiên nhiên, giữa từ ngữ ngẫu nhiên và cấu trúc độc đoán, giữa bóng nắng đổ hồn nhiên và cả quá khứ cây xanh đô thị bạo lực.
A brief Q&A with thou
Q: Một lời “sẽ…để…” hay “để…sẽ…” thou thường nói
A: Thường nói nhất là mấy câu hứa với mẹ cho qua cơn cãi nhau kiểu “để đó con sẽ abc” với “abc” là bất cứ lý do gì khiến mẹ la mình. Ví dụ như “ để đó con sẽ phơi đồ” “để đó con sẽ làm” “để con sẽ để ý hơn”, kiểu kiểu vậy. Những câu này hiệu quả nếu hành vi “abc” đó nhìn thấy được liền. Nhưng khi các hành vi “abc” đều ở tương lai xa mà cả mình và mẹ đều không biết được tương lai đó khi nào đến và liệu lỗi lầm có bị lặp lại, thì mấy câu này sẽ bị dội ngược lại bằng câu hỏi của mẹ “sao cứ ‘sẽ’ mãi thế, khi nào mới bây giờ?”
Q: thou nghĩ thì quá khứ tiếp diễn được thể hiện như thế nào trong tiếng Việt?
A: Điều thú vị của tiếng Việt là tiếng Việt không có thì như trong tiếng Anh. Những từ “đã, đang, sẽ” không phân định quá khứ, hiện tại, tương lai mà để diễn đạt thể của từ. Ý nghĩa quá khứ của một cụm từ, một câu xuất phát gián tiếp từ cả cấu trúc và các yếu tố trong câu, chứ không trực tiếp đến từ một từ. Trong lúc đọc các bài báo về vấn đề cây xanh ở thành phố, mình đã tìm về cả những bài từ hơn 10 năm trước, tức là thời quá khứ so với hiện tại, Tuy vậy, các bài báo đều tương đồng nhau ở sự lặp đi lặp lại từ “sẽ”, khiến mình suy nghĩ nhiều về sự nhập nhằng giữa quá khứ và tương lai, khi những lời hứa không được hoàn thành thì quá khứ vẫn sẽ tiếp diễn. Vì thế, kể cả khi đọc các bài báo ở thời điểm hiện tại, mình vẫn thấy đó là những vấn đề xưa cũ, những câu chữ xáo mòn, những âm thanh vô nghĩa. “Thì quá khứ tiếp diễn” trong tiếng Việt được tạo nên từ sự lặp lại những thông tin mình đã biết từ trước, và từ ngữ chỉ mang tính thông báo hình thức.
🌓 ⎯ Tiếng Việt sống mãi
⎯ Trần Thị Minh Giới, Giáo sư Việt Ngữ học
Buổi trưng bày này đã làm bật được một điều rằng tiếng Việt là một “sinh ngữ”, tức là một ngôn ngữ luôn biến hoá theo sự thay đổi của đời sống và xã hội. Với hơn 40 năm giảng dạy ngôn ngữ Việt cho người Việt, người gốc Việt và người nước ngoài, các cô nhận thấy cách khai thác chủ đề này sẽ giúp khơi gợi cảm hứng và niềm hăng say khi học tiếng Việt. Bên cạnh đó, kho dữ liệu Lướt Code đã tổng hợp và phân tích còn giúp các thầy cô và những nhà nghiên cứu ngôn ngữ ngoài kia có thêm những suy ngẫm cho đề tài của mình.
⎯ Tammy, Managing Editor tại Vietcetera Media
Sáng Thứ 7, mình đánh đổi giấc ngủ nướng đến thăm Dự án tiếng Việt của Lướt Code. Lướt Code là một tập thể sáng tạo khá quái mà bạn sẽ phải dè chừng khi gặp họ lần đầu tiên. Đừng sợ, họ rất dễ thương. Cộng đồng này được lập ra với mong muốn kết hợp công nghệ vào sáng tạo nghệ thuật, để công nghệ không còn là cái gì đó xa xôi ở trên trời. Trong dự án lần này, họ dùng coding để chơi với tiếng Việt. Mình bắt gặp 3 bạn nghệ sĩ Dmarc, Trúc và thou với 3 tác phẩm lần lượt là:
- Hữu hình hoá sức nặng của một bài thơ bằng cách khò lửa trên một miếng kinh loại, âm tiết nào càng nặng (theo hệ thống ASJP) thì khò nhiệt càng lâu.
- Trò chơi cảm giác âm thanh với tiếng Mường để ghi nhận phán đoán ý nghĩa của hơn 30 người chơi.
- Một thiết bị bắt nắng làm thơ, đo cường độ ánh nặng để chọn câu từ cho một bài thơ.
"Những thứ này mình làm ra rốt cuộc để làm gì hả anh?", mình quay ra hỏi anh Nhân, founder của Lướt Code.
"Nó là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ sáng tạo cái gì đó từ công nghệ. Vì công nghệ rốt cuộc chỉ là phương tiện, gắn cái gì với cái gì là quyền của con người. Như mang nắng và thơ văn đến gần nhau hơn", anh giải thích.
Cũng là ngày hôm ấy, mình biết đến khái niệm creative coding.
⎯ Sherry Nguyễn, PhD Candidate tại Ritsumeikan Asia Pacific University.
Thú thật là mình không phải là một người giỏi thơ văn, sử dụng ngôn từ, cộng thêm hồi trước nghĩ mình là người việt, ngôn ngữ việt là tiếng mẹ đẻ nên mình khá bỏ bê trau dồi tiếng việt, thay vào đó tập trung vào học ngôn ngữ khác. Nhưng mà một hai năm đổ lại, trong đó có việc nghe Yui nói về dự án tiếng việt, mình nhận ra tiếng việt nó đẹp và độc đáo hơn mình nghĩ. Buổi triển lãm 28/9 đã làm rõ điều đó, giúp mình được khai sáng về cội nguồn của tiếng việt, hiểu rằng tiếng việt không phải dạng vừa hihi. Không gian của buổi triển lãm rất việt nam, nên rất phù hợp với nội dung của buổi triển lãm, cộng thêm để nhạc tần số 432Hz rất thư giãn, làm mình muốn ngồi lại lâu nhìn cây nhìn trời, ngồi ngẫm lại những gì mình vừa đọc và xem. Mình rất thích cách các nghệ sĩ kết hợp ngôn ngữ với nghệ thuật, công nghệ, văn hoá và các vấn đề xã hội, để thấy rằng ngôn ngữ có mối quan hệ rất chặt chẽ với ngữ cảnh văn hoá và lịch sử của đất nước đó.
🌓 ⎯ Đội ngũ
- Tác giả ⎯ Phan Nhân & Yui Nguyễn
- Nghệ sĩ ⎯ Dmarc Lê, Đông-Trúc, thou, Khôi Nguyễn
- Sản xuất ⎯ Nhat Huynh-Vu
- Hỗ trợ kỹ thuật⎯Quang Anh
- Thiết kế thị giác ⎯ Ngọc Võ, Hani Ngô
Chân thành gửi lời cảm ơn đến những người bạn
- Lưu Chữ đã hỗ trợ dự án trong quá trình nghiên cứu.
- 3năm Studio đã hỗ trợ không gian và thời gian để dự án thành hình.
- WEDOGOOD đã chạy nước rút tới giây phút cuối cùng cùng dự án.